PHÂN BIỆT ĐỘ TAN CỦA CÁC LOẠI PHÂN BÓN

Trong canh tác, việc sử dụng phân bón, nông dân thường đánh giá tính tan theo 2 cách sau: Loại phân khi bón vào đất hoặc cho vào nước khuấy mà phân tan hết ngay thường gọi là phân bón tan nhanh. Một số loại phân khi bón vào đất hoặc cho vào nước khuấy mà không thấy tan hết ngay thường được bà con nông dân gọi là phân bón tan chậm.

Vấn đề này có thể được giải thích như sau:

Nguồn: Internet

Nguồn nguyên liệu


Trong quá trình sản xuất phân bón như Urea, DAP MAP và Kali nhà sản xuất thường dùng những chất áo bọc dành riêng cho phân hóa học. Chúng giúp duy trì chất lượng phân bón, chống đóng vón, chống hoặc giảm độ hút ẩm, ít tạo bụi và ít mòn, bể vụn trong quá trình dịch chuyển.

Phân Urea CO(NH4)2: Trên thị trường có bán 2 loại phân Urea có chất lượng giống nhau:

Loại hạt màu trắng, hạt to tròn, dễ tan trong nước, có nhược điểm hút ẩm mạnh.
Loại có dạng viên nhỏ như trứng cá, loại này có thêm chất chống ẩm nên dễ bảo quản, vận chuyển. Hạt Urea tan nhanh trong nước và dễ bốc hơi, nếu gặp nhiệt độ càng cao thì khả năng bốc thoát hơi mất đạm càng nhanh. Do đó để chóng sự thất thoát dinh dưỡng các nhà sản xuất thường áo bên ngoài hạt phân bón các hợp chất (hợp chất N-Keep) giúp hạt phân bón tan chậm.

Khả năng tan

Nếu so sánh giữa Urea (đạm-N), DAP (lân hòa tan cao-P2O5) và Kali (K2O) thì:

Urea và Kali là 2 loại dễ dàng tan trong nước (tan hoàn toàn); Phân Urea, phân Kali là những phân tan nhanh; dễ gây cháy lá, héo rễ non và lông hút của cây nếu để phân tiếp xúc trực tiếp; dễ bay hơi, rửa trôi, tồn tại lâu trong nước ruộng sẽ gây ra độc tố. Vì vậy không nên bón phân phơi lên mặt ruộng, vườn; khi bón cần thao tác cẩn thận và bón làm nhiều lần.
Trong khi đó DAP tan rất chậm và cần thời gian để tan hết hoàn toàn; Độ tan trong nước của DAP và MAP vào khoảng 60 - 80% P2O5. Phân lân thường lâu tan, có thể tồn tại trong đất thời gian dài, nên bón lót hết định lượng theo qui trình kỹ thuật.

Điều kiện môi trường

Lượng nước

Lượng nước tưới sau khi bón ảnh hưởng đến chế độ nước trong đất và độ ẩm của không khí. Nó ảnh hưởng đến khả năng phân rã của hạt phân, khả năng hút chất dinh dưỡng của cây và sự chuyển hóa cũng như rửa trôi chất dinh dưỡng, lớp đất mặt màu mỡ.

Việc không tưới nước sau khi bón phân, đặc biệt trong mùa khô hoặc thiếu nước tưới làm hạt phân không hấp thu đủ lượng nước để phân rã, hạt phân trên mặt đất sẽ bị thất thoát bằng con đường bốc hơi dần vào không khí, nên hiệu quả sử dụng phân bón đối với cây trồng sẽ giảm đi rõ rệt.

  • Đối với những hạt phân dễ bốc hơi như hạt Urea thì chỉ sau 1 thời gian ngắn sẽ không còn thấy sự hiện diện của hạt này dù không tưới hay tưới ít. Nhưng nếu sử dụng Urea dạng phức chất như SA thì vẫn gặp khó khăn trong việc phân hủy nếu thiếu nước, thiếu độ ẩm.
  • Phân Kali tuy không bốc hơi như phân Urea, nhưng nếu không hấp thụ được một lượng nước nhất định thì nó vẫn hiện diện và không tan hết ngay hoàn toàn.
  • Đặc biệt, hạt phân có thành phần là DAP hoặc MAP nó hút ẩm khó hơn nên nếu lượng nước cung cấp sau khi bón không đủ hoặc không tưới thì sự hiện diện của nó rất lâu, tan rất ít, dần chuyển sang mất màu (trắng đục) thì dinh dưỡng cũng mất dần và không tồn tại trong hạt phân đó. Do đó, sau thời gian trên đất cây trồng cạn vẫn còn thấy hiện dạng hạt màu trắng đục, cứng thì đó là lỏi, vật chất tạo hạt còn lại của hạt DAP sau khi gốc đạm (N) bị bốc hơi hoặc đi vào đất; gốc lân (P2O5) bị keo đất hấp thụ. Tùy vào thành phần chất tạo hạt mà thời gian phân hủy dài hay ngắn, tan rã vào đất hoặc tạo cát trên mặt mà có thể thấy sự hiện diện của nó hay không

Ẩm độ tương đối

Là nhân tố ảnh hưởng đến tính hút ẩm của phân hóa học. Ẩm độ cao, nghĩa là lượng nước trong đất và trong không khí cao, ẩm độ cao hơn hạt phân sẽ giúp hạt phân dễ dàng hút ẩm để tan chảy ra (có lợi sau khi bón). Ẩm độ có liên quan đến nhiệt độ không khí, lượng nước cung cấp tạo để một tiểu khí hậu trong khu vực bón, tạo điều kiện cho hạt phân phân rã nhanh hay chậm khác nhau.

Ngoài ra, do thành phần hóa học của phân, có thể chống lại quá trình hút ẩm cũng như hạn chế quá trình thủy phân của các vật chất trong hạt phân. Cấu trúc hạt và độ xốp, thời gian tiếp xúc, diện tích bề mặt cũng ảnh hưởng đến khả năng hút ẩm của hạt phân, dẫn đến tan nhanh hay chậm.

Nhiệt độ

Nhiệt độ không khí sẽ quyết định phân bón tan theo dạng bốc hơi nhanh hay chậm. Trong đó hạt Urea rất dễ bốc hơi khi gặp nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng thường làm cho giảm hiệu quả cung cấp N cho cây trồng và dễ gây độc cho cây, gây hư hại rễ như cháy đầu rễ tơ, cháy lá…

Nhiệt độ thấp kìm hãm quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng; Nhiệt độ cao thúc đẩy quá trình chuyển nitrat hoá và phản ứng nitrat hoá tạo thành NO3- hoặc N2 làm cho đạm bị tổn thất nhanh, cây trồng không hấp thu kịp.

* Hiệu quả của phân bón tan nhanh và phân bón tan chậm

Phân bón tan nhanh: Do phân tan ngay vào dung dịch đất cây trồng hút nhiều dinh dưỡng một lúc do vậy ta thấy màu lá chuyển sang xanh nhanh, cây đâm chồi, ra lá mới nhanh. Đa số nông dân khi bón phân cho cây thấy cây chuyển sang xanh tức thì nên cho đó là phân tốt. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn khi lượng phân trong đất được cây hút và bị thất thoát mạnh khiến dinh dưỡng bị thiếu hụt so với nhu cầu của cây nên màu xanh lá lại chuyển nhanh từ xanh sang vàng. Hiệu quả sử dụng phân bón thấp.

Phân bón tan chậm: Do dinh dưỡng trong phân được phóng thích ra môi trường đất một cách từ từ và liên tục nên cây trồng sử dụng được lâu dài, hiệu quả sử dụng phân cao hơn, không có giai đoạn nào bị thiếu hụt dinh dưỡng nên tuy cây chuyển sang màu xanh chậm nhưng cây trồng khỏe mạnh và màu xanh được giữ bền lâu hơn so với cây bón phân tan nhanh. Phân chậm tan được xử lý bằng một số chất phụ gia có tác dụng làm giảm tốc độ tan của phân bón. Một thời gian sau khi bón có thể chúng ta còn thấy dấu vết hạt phân nhưng thực chất dinh dưỡng trong phân đã được cây trồng sử dụng hết.

Tóm lại: Để sử dụng phân bón đạt hiệu quả cao cho cây trồng phải đảm bảo 4 yêu cầu: Đúng lúc, đúng cách, đúng loại phân và đúng liều lượng; hay còn được gọi là phương pháp “4 đúng”.

0 Comments

Post a Comment