Đánh giá chất lượng tôm giống là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh tôm

Chất lượng tôm giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm. Các xét nghiệm phân tử là cần thiết để khẳng định virus và các mầm bệnh khác không hiện diện ở tôm giống. 



Một số đánh giá cảm quan cũng cần thiết để xác định chất lượng tôm giống như: hoạt động của tôm, gan tụy của tôm, đường ruột tôm và mang tôm. Tôm giống cở post 10 được khuyến cáo thả trực tiếp xuống ao nuôi. Tuy nhiên, ở các ao nuôi có độ mặn thấp, nên thả tôm post cở 12.

Xác định giai đoạn PL dựa trên số gai trên chủy. PL9 có 3 gai. PL10 có một gai thứ 4 đang được hình thành. PL12 được xác định bởi gai thứ 4 đã phát triển hoàn thiện.

Các điều kiện thích hợp phải được duy trì trong quá trình vận chuyển tôm từ trại giống đến ao nuôi.

Thiệt hại kinh tế hàng tỷ đô la do bệnh virus và vi khuẩn trên tôm trong những năm gần đây. Chất lượng tôm giống trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong kiểm soát mầm bệnh trên tôm. Các nhà nuôi tôm nên thực hiện một số đánh giá để xác định chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi.

Kích cở tôm giống

Kích cở tôm giống được khuyến cáo thả nuôi trong ao là post 10 (PL10), bởi vì mang tôm đã phát triển hoàn thiện ở giai đoạn này và chúng sẳn sàng để vận chuyển trong một thời gian dài từ trại giống đến ao nuôi, thuần hóa và thả nuôi trong ao. Tuy nhiên, ở những trang trại nuôi tôm có độ mặn thấp < 5 ppt nên thả nuôi tôm post 12.

Ba gai chủy và chồi gai nhỏ trong ảnh bên trái giúp xác định tôm PL10. Mỗi gai được hình thành hoàn chỉnh trong lớp ấu trùng tôm thẻ chân trắng đại diện cho ba giai đoạn ấu trùng (phải).


Cách xác định giai đoạn khác nhau của tôm post thẻ chân trắng là dựa vào số gai trên chủy của chúng. Tôm post giai đoạn 10 có 3 gai trên chủy phát triển hoàn chỉnh và một gai đang hình thành, trong khi đó, tôm post 12 có 4 gai phát triển hoàn chỉnh trên chủy. Bên cạnh đó, trọng lượng và tuổi của tôm cũng có liên quan đến giai đoạn phát triển. Vì thế trong các trại giống, tôm post phát triển bình thường phải có những đặc điểm sau:
  • Ngày 14 (post 4-5): trọng lượng tôm ≤ 1000 PL/1 g
  • Ngày 16 (post 7-8): trọng lượng tôm ≤ 700 PL/1 g
  • Ngày 18 (post 10): trọng lượng tôm ≤ 300 PL/1 g
Một yếu tố quan trọng khác để đánh giá chất lượng tôm post trong trại giống là mật độ thả nuôi nauplii không vượt quá 100 nauplii/L. Yếu tố quan trọng khác là nhiệt độ trong suốt quá trình sản sản xuất giống phải được duy trì trong khoảng 30 ± 1 độ C, đây là nhiệt độ tối ưu cho tôm post phát triển và có chất lượng tốt.

Các xét nghiệm vi sinh

Yếu tố quan trọng đầu tiên để đánh giá chất lượng tôm post là thực hiện các xét nghiệm vi sinh để chắc chắn rằng mầm bệnh không hiện diện trong tôm. Thông thường, các xét nghiệm được khuyến cáo trong suốt các giai đoạn phát triển của tôm post từ post 6 cho đến khi thả giống vào ao nuôi:

  • Xét nghiệm PCR âm tính với các mầm bệnh: Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô ở tôm he (IHHNV), bệnh hoại tử cơ (IMNV), bệnh Taura (TSV), bệnh đầu vàng (YHD) và bệnh đốm trắng (WSSV).
  • Vi khuẩn tổng số tối đa phân lập từ tôm post trên đĩa thạch là 1.0 x 10^3 CFU/g, với trên 90% khuẩn lạc có màu vàng.
  • Không có vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi khi cấy trên đĩa thạch.
  • Nếu như tôm post không vượt qua một trong số các xét nghiệm vi sinh kể trên, tuyệt đối không thả nuôi lô tôm đó trong ao.

Đánh giá chất lượng tôm post bằng cảm quan

Sau khi tôm post vượt qua được các xét nghiệm vi sinh ở bước trên, trước khi vận chuyển chúng đến ao nuôi cần phải thực hiện các bước kiểm tra cảm quan và quan sát tôm post dưới kính hiển vi ngay tại trại giống. Các bước đánh giá được khuyến cáo như sau:

  • Hoạt động của tôm post: Để chắc chắn tôm post hoạt động bình thường, tạm ngừng sụt khí trong bể chứa tôm post, tạo dòng nước trong bể để xem tôm có bơi lội ngược dòng nước hay không. Tôm post tập trung ở giữa là tôm yếu, tôm bơi ngược dòng nước là tôm khỏe.
  • Kiểm tra gan tụy của tôm: Gan tụy to, có màu tối với nhiều giọt mỡ (lipid) khi quan sát dưới kính hiển vi là tôm khỏe. Gan tụy nhỏ, màu hơi trắng, có ít giọt mỡ là tôm yếu và có khả năng đã nhiễm bệnh.
  • Kiểm tra ống tiêu hóa: Quan sát nhu động ruột và tỷ lệ giữa cơ và ruột ở đốt bụng cuối của tôm là 4:1 là tôm khỏe.
  • Sự bám bẩn và hoại tử: Quan sát trực tiếp tôm post dưới kính hiển vi có thể phát hiện các loài ký sinh trùng như nấm Lagenidium hoặc protozoa như Zoothamnium, Epistylis, Vorticella thường bám vào mang và các chân của tôm. Sự hiện diện của ký sinh trùng trên tôm chứng tỏ chất lượng nước kém trong bể ương tôm post. Trong thực tế, nếu như không thể kiểm soát chất lượng nước trong bể ương tôm, vi khuẩn dạng sợi như Leucotrix có thể xâm nhập vào các mô khác gây tổn hại và có thể gây chết tôm.
Các ấu trùng tôm khỏe mạnh có gan tụy to, sẫm màu chứa nhiều giọt mỡ lipid.

Quan sát nhu động ruột và tỷ lệ giữa cơ và ruột ở đốt bụng cuối của tôm là 4:1 là tôm khỏe

Các điều kiện vận chuyển tôm post

Vận chuyển tôm giống cũng là một vấn đề rất quan trọng cần lưu ý để đảm bảo chất lượng tôm post trước khi thả nuôi. Hàm lượng oxy hòa tan, nhiệt độ và thức ăn cần thiết cho tôm có liên quan đến thời gian vận chuyển tôm post từ trại giống đến ao nuôi. Các điều kiện vận chuyển tôm post được khuyến cáo như sau:

  • Thời gian vận chuyển dưới 4 giờ: không cần điều chỉnh nhiệt độ trong quá trình vận chuyển
  • Thời gian vận chuyển từ 4-12 giờ: duy trì nhiệt độ từ 24-28 độ C
  • Thời gian vận chuyển lâu hơn 12 giờ: duy trì nhiệt độ từ 18-23 độ C
  • Luôn luôn duy trì hàm lượng oxy hòa tan tối thiểu 5 mg/L trong suốt quá trình vận chuyển tôm
  • Cho tôm ăn khoảng 15-20 Artemia nauplii/con tôm post sau mỗi 1 giờ vận chuyển

Nếu như các điều kiện vận chuyển không đảm bảo như yêu cầu trên, tôm có thể bị stress, nồng độ ammonia và mật độ vi khuẩn tăng cao trong nước và thậm chí có thể gây chết tôm trước khi đến trang trại nuôi. Nếu như trường hợp này xảy ra, tuyệt đối không được thả số tôm còn lại vào ao nuôi.

Nguồn: Dr. Chalor Limsuwan and Dr. Carlos A. Ching. Postlarvae Evaluation Key To Controlling Shrimp Diseases. Global Aquaculture Advocate, September/October 2013.

0 Comments

Post a Comment